THAM LUẬN SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BỘ TƯ PHÁP VÀ LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

GIỮA BỘ TƯ PHÁP VÀ LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TS. LS. Nguyễn Hữu Thế Trạch- Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh

I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI QUY CHẾ PHỐI HỢP CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Để thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước về trợ giúp pháp lý (TGPL) đến với người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện TGPL, ngày 28/12/2016, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN về hoạt động TGPL của luật sư. Đây là văn bản quan trọng góp phần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc quản lý luật sư thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật TGPL và pháp luật luật sư nhằm cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, bảo đảm chất lượng cho người được TGPL.

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của các bên

Theo quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về hoạt động TGPL, các bên có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Bộ Tư pháp: Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các văn bản liên quan đến hoạt động TGPL của luật sư theo Luật TGPL; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về TGPL; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực TGPL; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TGPL cho người dân.

- Liên đoàn Luật sư Việt Nam: tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho luật sư trong lĩnh vực TGPL; kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về TGPL của luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư.

- Sở Tư pháp - Trung tâm TGPL Nhà nước và Đoàn luật sư là đơn vị đầu mối của Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư tại địa phương có trách nhiệm theo dõi, thực hiện Quy chế. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương phối hợp với nhau trong phạm vi, thẩm quyền của mình để thực hiện TGPL một cách thiết thực, hiệu quả nhất.

2. Công tác triển khai thực hiện Quy chế phối hợp tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2022

Sau khi Quy chế phối hợp được ban hành, Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và Hội Luật gia thành phố phối hợp ký kết Quy chế phối hợp trong quản lý hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (kèm theo Quyết định số 225/QĐLT-STP-HLG ngày 15/05/2018), trong đó có nội dung tại Điều 17 về công tác thực hiện TGPL.

Trong những năm qua, đội ngũ Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm) và các trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) của Trung tâm có nhiều đóng góp cho hoạt động TGPL, tham gia các hoạt động tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật và truyền thông về cơ sở. Nhiều luật sư tham gia hoạt động tố tụng nhiệt tình, bảo vệ thành công nhiều vụ việc TGPL. Việc giới thiệu và lựa chọn luật sư tham gia thực hiện TGPL, đánh giá chất lượng vụ việc, công tác thông tin, truyền thông về hoạt động TGPL, công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL đã được Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL và Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện tương đối tốt.

Hằng năm, Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đều có kế hoạch thực hiện tổ chức bồi dưỡng cho luật sư nhằm nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ luật sư của Đoàn. Ngoài ra, các luật sư hành nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư mặc dù không tham gia ký kết hợp đồng TGPL nhưng khi gặp các đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định của Luật TGPL đều cung cấp thông tin về quyền được TGPL cho người đó và hướng dẫn họ đến Trung tâm để được TGPL.

Từ năm 2017 đến hết năm 2022, các luật sư và TGVPL tại Trung tâm TGPL Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh đã tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 4.678 đối tượng là người nghèo, người có công cách mạng, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, trẻ em… Đồng thời thực hiện 7597 vụ việc TGPL trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính và tư vấn pháp luật miễn phí cho hàng ngàn trường hợp khác[1].

Giai đoạn năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, số lượng người tham gia TGPL bị hạn chế nhiều do phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về giãn cách xã hội, đảm bảo sức khỏe chung của cộng đồng. Đến năm 2022, sau khi đại dịch đã phần nào được kiểm soát, nước ta mở cửa trở lại trên tất cả các lĩnh vực. Có thể thấy tại bảng số liệu, số lượng người, vụ việc được TGPL tại thành phố Hồ Chí Minh tăng đáng kể (năm 2022 tăng 723 lượt người, 836 vụ việc so với năm 2021).

 

Với mục tiêu xuyên suốt toàn bộ các quy định của Luật là nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL hướng đến bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những đối tượng chính sách nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, do đó dịch vụ được cung cấp cho những người này luôn được ưu tiên thực hiện bởi những người có đủ năng lực, trình độ và kỹ năng hành nghề. Việc huy động các tổ chức tham gia thực hiện TGPL thông qua cơ chế ký hợp đồng TGPL sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các tổ chức thực hiện TGPL, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL của các tổ chức thực hiện TGPL nói chung, Trung tâm nói riêng.

Tuy nhiên, so với việc các vụ việc, đối tượng được TGPL có xu hướng tăng thì số lượng người tham gia vào công tác TGPL lại không có nhiều thay đổi, thậm chí là có chiều hướng giảm (năm 2022 giảm 06 luật sư, 1 trợ giúp viên pháp lý, so với năm 2021). Tính đến ngày 03/03/2023, số liệu do Trung tâm TGPL Nhà nước cung cấp theo Thông báo số 71/TB-TGPL ngày 07/03/2023 có 148 người thực hiện TGPL (07 TGVPL và 141 luật sư)[2].

Lấy ví dụ trong năm 2022, tổng số các vụ việc và cá nhân nằm trong diện TGPL là 3575 vụ việc trên tổng số luật sư, TGVPL và CVPL là 161 người. Bình quân 1 năm mỗi người thực hiện 22 vụ việc, chưa tính đến rất nhiều các lần tư vấn pháp lý khác. Vậy, có thể thấy số lượng người tham gia vào công tác TGPL tại TP. Hồ Chí Minh là chưa đủ để đáp ứng cũng như chất lượng thực hiện xuyên suốt quá trình TGPL chưa đảm bảo do phải dàn trải trên một địa bàn có nhu cầu cần được TGPL rất lớn (tính đến tháng 1/2023, theo website World Population Review thì dân số TP. Hồ Chí Minh đạt 9,320,866 người).

(Dựa trên số liệu do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh cung cấp)

Nhìn chung, qua các năm số lượng vụ việc được TGPL nhiều nhất vẫn là lĩnh vực hình sự, kế đến là dân sự, hôn nhân & gia đình, hành chính và các lĩnh vực khác.

3. Sự phối hợp giữa Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư thành phốHồ Chí Minh, Trung tâm và các cơ quan Tư pháp tại địa phương trong công tác thực hiện TGPL

Nhằm góp phần thực hiện Quy chế cũng như Luật TGPL một cách đồng bộ, thống nhất. Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm cùng các Cơ quan tiến hành tố tụng luôn có sự phối hợp, hỗ trợ qua lại để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện Quy chế phối hợp, trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm chủ động phối hợp với Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tương đối đầy đủ các nội dung trong Quy chế phối hợp.

Về nguồn nhân lực thực hiện TGPL chủ yếu do Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp. Chất lượng của hoạt động TGPL phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm, uy tín của những tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư do Đoàn Luật sư giới thiệu.

Đoàn Luật sư phối hợp với Trung tâm trong việc giới thiệu luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL theo dõi, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Hàng năm, Sở Tư pháp gửi Đoàn Luật sư danh sách luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL và kết quả tham gia các vụ việc TGPL của luật sư. Đây là một trong những cơ sở để Đoàn Luật sư rút kinh nghiệm cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư trực thuộc Đoàn. Bên cạnh đó,  Luật sư thành phố thành phố Hồ Chí Minh còn nhận được sự phối hợp của Trung tâm phối hợp với Đoàn luật sư Thành phố TP. Hồ Chí Minh trong việc rà soát, kiểm tra thông tin danh sách luật sư tham gia nộp hồ sơ lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL của Trung tâm; đồng thời đề nghị Đoàn Luật sư thành phố thành phố Hồ Chí Minh phân công người tham gia vào Tổ đánh giá hồ sơ lựa chọn luật sư của Trung tâm.

Đối với công tác truyền thông về TGPL, Trung tâm TGPL Nhà nước đã quan tâm, chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông về TGPL phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn, phối hợp với một số Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp phường tổ chức nhiều hoạt động truyền thông và thực hiện TGPL ở cơ sở, kết hợp tổ chức phiên tòa giả định, báo cáo pháp luật, tư vấn pháp luật tại chỗ… Kết quả hoạt động này nhiều năm qua đã giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật, biết cách ứng xử và hành động phù hợp quy định pháp luật, tạo thói quen “sống và làm việc theo pháp luật”, hạn chế vi phạm pháp luật và tranh chấp xảy ra.[3]

Đáng chú ý, tính đến hết quý III năm 2022, Trung tâm đã cung cấp hơn 55.000 tờ gấp pháp luật về TGPL, 47.400 mẫu đơn yêu cầu TGPL, 1.488 bảng thông tin, hộp tin, danh sách người thực hiện TGPL, biên soạn, phát hành 10.583 cuốn sách, tài liệu pháp luật về TGPL đưa đến các cơ quan tiến hành tố tụng và cung cấp cho Phòng Tư pháp quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các xã, phường, các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ người khuyết tật... hàng ngàn tở gấp pháp luật để phát cho người dân, như: Tờ gấp về TGPL, biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên, pháp luật về phòng, chống mua bán người, một số quyền của người khuyết tật...

Hàng năm, để công tác TGPL ngày càng hiệu quả và thiết thực, viên chức Trung tâm đã đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay được lãnh đạo Trung tâm và Sở Tư pháp công nhận như: TGPL cho trẻ em khuyết tật hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố; Giải pháp TGPL phòng, chống dịch COVID-19 bằng hình thức tư vấn pháp luật cho người dân thông qua đơn yêu cầu của Phòng Tư pháp gửi đến Trung tâm; Giải pháp hỗ trợ tài chính, đăng ký giấy tờ tùy thân cho trẻ em, người khuyết tật đặc biệt khó khăn; Công trình thi đua cải cách hành chính năm 2020 “Thứ Sáu không hẹn”..[4]

Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động TGPL đối với các tổ chức hành nghề luật sư được Sở Tư pháp quan tâm thông qua chế độ báo cáo, thống kê hoặc các cuộc kiểm tra trực tiếp, qua đó, Sở Tư pháp cùng Trung tâm đã phát hiện kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động TGPL ở địa phương.

3. Đánh giá

Công tác thực hiện Quy chế phối hợp tại thành phố Hồ Chí Minh được các bên tích cực, chủ động thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong hoạt động tham gia tố tụng của luật sư thời gian qua, từng bước đã khắc phục dần tính hình thức, chất lượng tham gia tố tụng của luật sư từng bước được nâng lên. Thực tiễn cho thấy, trong các vụ án có luật sư tham gia và thông qua công tác tranh tụng, chất lượng xét xử của các phiên tòa được nâng lên, góp phần hạn chế sai sót, tạo được công bằng và khách quan trong quá trình xét xử, giúp cho chủ tọa phiên tòa phán quyết một cách chính xác theo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN.

Luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL khi bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là đối tượng được TGPL đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đối với người được TGPL là bị can, bị cáo thì vụ việc có trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL tham gia giúp họ giữ được tâm lý an tâm, tự tin vì có chỗ dựa về mặt tinh thần và sự giúp đỡ về pháp luật. Kết quả này được ghi nhận thông qua tỷ lệ vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao, số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho bị cáo theo đề nghị của trợ giúp viên pháp lý, sự đánh giá, ghi nhận của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng...

II. MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Bất cập

- Trong thời gian qua, hoạt động TGPL đã thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội . Theo quy định của Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, việc tham gia TGPL có hai hình thức là ký hợp đồng và đăng ký tham gia. Các quy định liên quan đến hoạt động TGPL đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quy định về huy động sự tham gia cho hoạt động TGPL của xã hội chưa đủ sức thu hút đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư tham gia.

Hiện tại, mức thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL đã tăng nhưng so với thị trường dịch vụ có thu thì còn rất thấp. Căn cứ Điều 13 của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017. Khi thực hiện vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể). Mức bồi dưỡng như vậy thực sự chưa đủ để thu hút các luật sư có khả năng, nhiều kinh nghiệm. Nếu tính theo mức lương sơ sở trước  ngày 01/7/2023 là1.490.000 đồng/1 tháng thìmức thù lao 1 luật sư có thể nhận được trong 1 vụ việc là từ 4.470.000 đồng - 14.900.000 đồng, trong khi đó 1 vụ việc có thể diễn ra trong một thời gian rất dài. Còn nếu làm việc theo buổi thì thù lao là 566.200 đồng, thấp hơn nhiều so với luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý bên ngoài.

- Ngoài vai trò nòng cốt của Trung tâm, sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư trong công tác TGPL là rất quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL còn quá thấp, tính đến ngày 31/10/2022, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh có 6.963 thành viên nhưng chỉ có 131 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng hoạt động TGPL vẫn còn hạn chế; số lượng vụ án mà người được TGPL được trợ giúp so với vụ án được xét xử và đối tượng được TGPL ở địa phương còn hạn chế…

- Công tác truyền thông về TGPL đã được đẩy mạnh nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chưa đến với tất cả đối tượng TGPL.

- Hàng năm, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với Sở Tư pháp rà soát lại chất lượng đội ngũ luật sư tham gia TGPL cũng như kết quả thực hiện TGPL để phát hiện những bất cập liên quan đến hoạt động TGPL nhằm kịp thời khắc phục cũng như rút kinh nghiệm. Trên thực tế, tình trạng luật sư “thiếu và yếu” chậm được khắc phục, đội ngũ luật sư của thành phố phát triển nhưng chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay. Mặt khác, nguồn quỹ để phục cho công tác luật sư còn hạn chế nên việc trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư ít nhiều gặp nhiều khó khăn.

2. Đề xuất, kiến nghị

- Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế góp phần nâng cao chất lượng hoạt động TGPL về kinh phí, về chế độ, chính sách cho người thực hiện TGPL...; tiếp tục nghiên cứu và đổi mới để tăng cường sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư có chất lượng, uy tín vào hoạt động TGPL thông qua nhiều hình thức đa dạng, phát huy tốt mọi nguồn lực của xã hội cho hoạt động TGPL. Qua đó, tăng sự cạnh tranh giữa tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL của Nhà nước và các tổ chức hành nghề luật sư khi tham gia thực hiện TGPL.

- Thực hiện truyền thông về TGPL sâu rộng đến người dân và các đoàn viên, hội viên trong các tổ chức xã hội để nhiều người biết đến hoạt động TGPL.

- Có giải pháp để tăng cường số lượng vụ việc TGPL có chất lượng, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng, tránh tình trạng bỏ sót vụ việc TGPL mà người được TGPL có nhu cầu.

- Cần đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ kết hợp với bồi dưỡng các kiến thức về kỹ năng làm việc với mỗi nhóm đối tượng đặc thù được hưởng TGPL cho đội ngũ luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL. Khuyến khích bản thân luật sư ký kết hợp đồng thực hiện TGPL chủ động học tập, nghiên cứu, trau dồi nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị.

- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động TGPL để kịp thời phát hiện sai sót, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết nhanh chóng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, xác định công tác truyền thông về TGPL (TGPL) giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về TGPL đến với người dân, giúp người dân tiếp cận thông tin TGPL hiệu quả. Có thể kể đến một số hình thức tăng cường truyền tải thông tin như báo đài, truyền hình, mạng xã hội facebok, youtube…hay biên soạn, in ấn, phát tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về trung tâm, một số nội dung cơ bản của Luật TGPL và các tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu cho người dân như: Luật đất đai, cư trú, dân sự, hôn nhân gia đình; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách đối với người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác.                               



[1] Dựa trên bảng số liệu thống kê số lượt người được Trợ giúp pháp lý, số vụ việc Trợ giúp pháp lý, số tổ chức và số người thực hiện Trợ giúp pháp lý các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2021 do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước báo cáo hằng năm chính thức.

[2] Thông báo số 71/TB-TGPL ngày 07/03/2023 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phốHồ Chí Minh v/v danh sách người trợ giúp pháp lý năm 2023.

Tin tức khác


   Trang sau >>