QUẢN TÀI VIÊN TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT PHÁ SẢN

 

Quản tài viên trong Dự thảo sửa đổi Luật Phá sản

Luật sư Võ Thành Vị

Dự thảo sửa đổi Luật Phá sản Dự thảo bãi bỏ chế định “Tổ quản lý, thanh lý tài sản” thay thế bằng chế định “Quản tài viên”

1- Tại Khoản 6 Điều 9 dự thảo: “Quản tài viên là người được Tòa án chỉ định để quản lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của luật này”.         

Nhưng tại Khoản 6 Điều 24 dự thảo quy định: “Trong thời hạn ba tháng, kể từ khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, nếu chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.Như vậy các doanh nghiệp, hợp tác xã phải tự nguyện yêu cầu mở thủ tục phá sản, khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã của mình lâm vào tình trạng phá sản.

Điều 9 và Điều 24 Dự thảo nêu trên không thống nhất về nội dung. Cần bổ sung: “Quản tài viên là người được Tòa án chỉ định để quản lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền tự nguyện yêu cầu hoặc bị yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của luật này.

- Tại Điều 24 Dự thảo, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Hiện nay chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh các trường hợp này. Đề nghị Dự thảo bổ sung các biện pháp xử lý và chế tài các doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm pháp luật khi thấy các doanh nghiệp, hợp tác xã của mình lâm vào tình trạng phá sản mà không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

2- Tại Điều 12 quy định Điều kiện được chỉ định là Quản tài viên:

- “Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được chỉ định là Quản tài viên:

a) Người được cấp Thẻ luật sư;

b) Có kinh nghiệm hành nghề Luật sư từ năm năm trở lên

Trường hợp người không đủ điều kiện tại điểm a, b khoản 1 Điều này nhưng có kiến thức, có kinh nghiệm giải quyết phá sản có thể được chỉ định là Quản tài viên”

Trong điều kiện hiện nay muốn được trở thành luật sư phải có bằng cử nhân luật, qua đào tạo nghề, qua thời gian tập sự, khi hết tập sự mới được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và mới có quyền hành nghề luật sư. Trong khi đó, những người khác pháp luật không đòi hỏi họ phải có điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng như luật sư

Đội ngũ luật sư hiện nay ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Vì vậy đã đến lúc chỉ cho phép luật sư mới được tham gia tố tụng tư pháp như các nước tiên tiến trên thế giới.

Vì vậy cần sửa đổi khoản 1 Điều 12 Dự thảo nhập hai điểm a, b thành một quy định: Những người được chỉ định là Quản tài viên là luật sư đã hành nghề luật sư từ năm năm trở lên.

- Cần quy định cụ thể trách nhiệm của Quản tài viên khi vi phạm pháp luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao, chứ không chỉ áp dụng biện pháp bị thay thế hoặc bị bãi nhiệm như quy định tại điều 15 Dự thảo.

3- Tại Khoản 2 Điều 12 Dự thảo: “Trường hợp người không đủ điều kiện tại điểm a, b khoản 1 Điều này nhưng có kiến thức, kinh nghiệm giải quyết phá sản có thể được chỉ định là Quản tài viên”. Quy định này chỉ áp dụng ở các vùng sâu, vùng xa hoặc ở các địa phương không đủ luật sư đảm nhiệm làm Quản tài viên vì phải mất một thời gian dài trong quá trình phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc khi Đoàn luật sư không giới thiệu được luật sư cho Tòa án.

- Việc giới thiệu luật sư để Tòa án chỉ định làm Quản tài viên phải do Đoàn luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu. Đoàn luật sư giới thiệu các luật sư có kinh nghiệm, có đạo đức nghề nghiệp và khách quan khi thực hiện nhiệm vụ Quản tài viên.

Cần xem xét lại các quy định của Dự thảo khi cho phép các chủ nợ (Điều 22), người lao động (Điều 23), chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước (Điều 25), các cổ đông của công ty Cổ phần (Điều 26), thành viên hợp danh (Điều 27), ủy ban chứng khoán nhà nước (Điều 28), chỉ định Quản tài viên khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Quy định này tạo tiền đề cho các Quản tài viên có thể không khách quan khi thực hiện nghiệp vụ.

4- Tại khoản 3 Điều 30 Dự thảo quy định: “Trường hợp chủ nợ, người đại diện chủ nợ không đồng ý chỉ định Quản tài viên thì thẩm phán trả lại Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong trường hợp một hoặc một số chủ nợ, người đại diện chủ nợ không đồng ý chỉ định Quản tài viên thì thẩm phán không chấp nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người đó”.

Quy định này không hợp lý, không lẽ doanh nghiệp, hợp tác xã “chết mà không cho chôn”, làm phát sinh xáo trộn xã hội. Giải pháp giao cho Đoàn luật sư giới thiệu Quản tài viên đảm bảo được khách quan và có hiệu quả trong quá trình mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tin tức khác


   Trang sau >>