TỔNG KẾT THỰC TIỄN THI HÀNH VÀ GÓP Ý HOÀN THIỆN BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005

 

Tổng kết thực tiễn thi hành và góp ý hoàn thiện Bộ Luật Dân Sự 2005

(Tại hội thảo diễn ra ngày 13/3/2013

 do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phối hợp với VCCI tổ chức)

Luật sư Hoàng Văn Sơn

(Thạc sĩ luật học, Trưởng văn phòng luật sư VNC) 

1.    Một số nhận định chung

Bộ luật dân sự 2005 có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, nó chỉ đứng sau hiến pháp, xét về cấp độ quy mô, phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động… của Bộ luật dân sự thì đây là bộ luật lớn nhất trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, cũng như các văn bản pháp luật khác, việc sửa đổi, bổ sung là không thể tránh khỏi ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, điều cần làm đối với các nhà lập pháp là cần phải hạn chế đến mức thấp nhất việc sửa đổi thường xuyên trong thời gian ngắn, làm xáo trộn cuộc sống, gây tâm lí hoài nghi về chính sách pháp luật. Vì vậy, các nhà làm luật phải tăng cường hơn nữa việc tiếp thu ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật nhằm hạn chế tình trạng nêu trên.

Để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, xây dựng một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của nó, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến của mình về sửa đổi Bộ luật dân sự 2005 lần này. Giải quyết tình trạng này, không thể một sớm một chiều có thể làm được ngay, nhưng cũng không thể cứ kéo dài mãi, trước hết, xét về mặt quy mô, cấu trúc và phạm vi điều chỉnh của bộ luật chúng tôi có một số kiến nghị chung và kiến nghị cụ thể như sau :

 Thứ nhất, tách bộ luật này thành ba đạo luật đó là Luật hợp đồng; Luật thừa kế và Bộ luật dân sự cùng sửa đổi và ban hành song song để tránh tình trạng chồng chéo giữa các đạo luật này. Bộ luật dân sự chỉ nên đóng vai trò là luật quy định chung các vấn đề về hợp đồng, về thừa kế như quy định của một số chế định hiện hành trong Bộ luật dân sự 2005. Luật hợp đồng và Luật thừa kế sẽ quy định cụ thể, chi tiết hơn, tránh tình trạng quy định rải rác ở các văn bản khác như hiện nay, dẫn đến sự chồng chéo hoặc lặp lại các quy định không cần thiết.

Lí do của đề xuất này là nguyên nhân từ thực tiễn cuộc sống đòi hỏi và truyền thống áp dụng luật thành văn của Việt Nam so với các nước áp dụng án lệ lẫn luật thành văn, mặc dù Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có yêu cầu về phát triển án lệ. Tuy nhiên, đến nay đã gần tám năm trôi qua, nhưng việc phát triển án lệ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và có những bước đi chậm chạp ban đầu, trong khi thực tiễn đang đòi hỏi cấp bách. Việc phát triển án lệ cần phải mất rất nhiều thời gian mới tạo ra được hệ thống án lệ có chất lượng, trong khi việc áp dụng án lệ ở các nước phát triển đã trải qua hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới tạo ra được những bộ án lệ đồ sộ và áp dụng vào thực tiễn một cách rất tốt.

Thứ hai, việc tách các đạo luật này người dân sẽ dễ tìm khi cần và cũng dễ hiểu luật hơn so với quy định chung và rải rác ở các văn bản khác như hiện nay, nếu người, cơ quan có thẩm quyền áp dụng sai pháp luật họ sẽ dễ dàng phát hiện và khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Chính vì vậy, các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật sẽ không dễ tùy tiện hoặc áp dụng sai pháp luật. Trong khi các quy định của pháp luật về hợp đồng, về thừa kế hiện nay được nhiều văn bản quy định và chồng chéo lẫn nhau đã dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng gây ra nhiều tranh cãi, có những vụ án bị cải sửa, hủy đi hủy lại nhiều lần kéo dài hàng năm, thậm chí có những vụ án kéo dài hàng chục năm gây ra nhiều hệ lụy, tốn kém tiền của, thời gian của nhân dân, của nhà nước, làm mất niềm tin trong dân chúng, cũng như các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước về hệ thống tư pháp của chúng ta.

Thứ ba, khi ban hành các đạo luật này, chúng ta cũng sẽ dễ dàng sửa đổi trong tương lai, khi mà các quan hệ xã hội không ngừng phát triển và thay đổi nhanh chóng trong các lĩnh vực như khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin được áp dụng trong thực tiễn đời sống. So với thời điểm ban hành Pháp lệnh hợp đồng dân sự 1990 và Pháp lệnh thừa kế 1990 đến nay thì các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này đã rộng hơn và phát triển rất nhanh chóng. Chẳng hạn, về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ về kinh doanh, thương mại rất đa dạng và phong phú, về sự tham gia của nhà nước thông qua các pháp nhân công quyền ngày càng nhiều hơn.

Trong nhiều trường hợp việc xác định các quan hệ pháp luật này là không rõ ràng, ví dụ: Hợp đồng được kí kết giữa một pháp nhân công quyền với một hoặc nhiều pháp nhân kinh doanh là hợp đồng gì? Hợp đồng dân sự; hợp đồng kinh doanh, thương mại hay hợp đồng hành chính…Rồi quy định về thừa kế khi cá nhân là thành viên của công ty chết còn nhiều bất cập; thừa kế khi thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước … Chúng tôi sẽ góp ý cụ thể trong phần sau.  

2.    Về kiến nghị ban hành Luật thừa kế

Hiện nay, quy định về thừa kế trong phần thứ tư của Bộ luật dân sự 2005, từ Điều 631 đến Điều 687, bao gồm bốn chương 56 điều. Ngoài ra, thừa kế còn được quy định trong các văn bản khác như : Luật doanh nghiệp 2005; Nghị định số 61/1994/NĐ- CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở cũng có quy định về thừa kế khi chưa trả hết tiền mua nhà thuộc sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó còn có các văn bản hướng dẫn áp dụng các quy định về thừa kế khi có tranh chấp như : Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, trong đó có quy định về thừa kế trong trường hợp chưa có đăng kí kết hôn. Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định về thừa kế liên quan đến quyền sử dụng đất.

Khi nghiên cứu các văn bản này, chúng tôi thấy có nhiều quy định bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau :

- Điều 45 khoản 1 Luật doanh nghiệp quy định “Trong trường hợp thành viên là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên của công ty”. Quy định này chưa phù hợp, trong nhiều trường hợp, mặc dù khoản 2 và khoản 3 điều này có quy định nếu có thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người giám hộ; người thừa kế không muốn trở thành thành viên.

Trong trường hợp người thừa kế là người chưa đủ 18 tuổi, khi đó họ chưa là thành viên một cách mặc nhiên như quy định và cũng chưa thể thông qua người giám hộ, nếu có rất nhiều người thừa kế mà trong số đó có người muốn là thành viên, người chưa đủ tuổi, người mất năng lực hành vi …chứ không phải chỉ có một người thừa kế, thì giải quyết thế nào?

Trong trường hợp người để lại thừa kế là người đại diện theo pháp luật và kinh doanh ngành nghề trong lĩnh vực phải có chứng chỉ hành nghề, thì khi đó những người thừa kế không có chứng chỉ hành nghề hoặc chưa đủ 18 tuổi, mất năng lực hành vi… và những thành viên còn lại cũng không có chứng chỉ hành nghề, thì doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này.

- Tại mục II của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, trong đó có quy định về thừa kế trong trường hợp chưa có đăng kí kết hôn. Điểm b phần 1 của mục này tòa án có hướng dẫn : “Trong trường hợp sau ngày 01/01/2003 họ vẫn chưa đăng kí kết hôn mà có một bên vợ hoặc chồng chết trước và có tranh chấp về thừa kế thì trong khi chưa có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì tùy từng trường hợp tòa án xử lý như sau : 1) Nếu chưa thụ lý vụ án thì không thụ lý; 2) Nếu đã thụ lý vụ án và đang giải quyết thì ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án”. Như vậy, trong trường hợp này, vụ án sẽ không có hướng giải quyết vô thời hạn (hiện nay Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP vẫn đang còn có hiệu lực.

- Mục II Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp. Trong đó, có hướng dẫn về thừa kế quyền sử dụng đất trong trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế, trong những trường hợp này, chúng tôi đã gặp một số trường hợp như người để lại di sản thừa kế chuyển nhượng quyền sử dụng đất có điều kiện, nhưng chưa hoàn thành, đến nay cũng bế tắc tòa án không thụ lí.

- Tại mục III của về Nghị quyết này có quy định về: Việc giải quyết tranh chấp về tài sản do nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong đó có việc giải quyết về thừa kế được giải quyết trước hoặc sau khi người có công chết. Đã có nhiều quy định mâu thuẫn trong việc giải quyết chính sách này như: thuê nhà của nhà nước theo hộ khẩu, tạm trú…

Ngoài những trường hợp trên đây, còn có nhiều trường hợp khác quy định về thừa kế ở các văn bản khác có những bất cập mà chúng tôi không thể thống kê hết được. Đây là lí do mà chúng tôi kiến nghị ban hành Luật thừa kế để từng bước hoàn thiện thêm.

3.    Vấn đề về kiến nghị ban hành Luật hợp đồng

Nhưng đã trình bày ở phần nhận định chung, hiện nay mười ba loại hợp đồng thông dụng được quy định tại Bộ luật dân sự 2005 và một số quy định về hợp đồng ở các văn bản luật khác nhau đã dẫn đến sự chồng chéo, khó áp dụng chính xác, gây ra nhiều hệ lụy. Mặt khác, quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự 2005 cũng không thể bao quát hết các loại hợp đồng vốn rất đa dạng và phong phú như : Chủ thể kí kết hợp đồng, đối tượng của hợp đồng, hình thức…

Về chủ thể, nhà nước ngày càng tham gia nhiều vào việc kí kết các loại hợp đồng, vì nhà nước là một trong những chủ đầu tư lớn; vậy hợp đồng giữa nhà nước với các đối tác là nhà đầu tư, hợp đồng giữa nhà nước (do một bộ hoặc cơ quan nào đó của nhà nước gọi là pháp nhân công quyền) với công ty luật ở nước ngoài để giải quyết tranh chấp tại trọng tài nước ngoài ngày càng nhiều. Các loại hợp đồng BOT; BTO; BT; hợp đồng cho thuê đất giữa nhà nước với doanh nghiệp nước ngoài… là những loại hợp đồng gì? Cần phải được làm rõ và chỉ có ban hành một Bộ luật về hợp đồng mới có khả năng khắc phục được những nhược điểm này!

4.    Một số kiến nghị cụ thể trong Bộ luật dân sự 2005

4.1. Về tên gọi của pháp nhân quy định tại Điều 87 khoản 1: “Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt, thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động”. Quy định này chưa đầy đủ vì tại Điều 5 của Hiến pháp 1992 quy định : “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Đề nghị bổ sung thêm “Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt, hoặc một trong những thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số”.

4.2 . Về điều lệ của pháp nhân quy định tại khoản 1; 3 Điều 88 .

Khoản 1 quy định: “điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định” ; khoản 3 “Việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định”. Điều lệ chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên, vì vậy điều lệ chỉ cần đăng kí là đủ, cơ quan nhà nước không cần can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác, thông thường cơ quan quản lí nhà nước thường có điều lệ mẫu cho các doanh nghiệp tham khảo.

4.3. Về quy định chia pháp nhân tại Điều 96 và tách pháp nhân quy định tại Điều 97 Bộ luật dân sự 2005 và cũng được quy định tại Điều 150; 151 Luật doanh nghiệp 2005.

Cả hai luật chưa quy định trong trường hợp sau khi chia, tách pháp nhân đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phải có chứng chỉ hành nghề mà một trong hai hoặc cả hai đều không đáp ứng điều kiện thì có được phép hoạt động không? Cần quy định rõ.

4.4.  Về quy định giải thể pháp nhân tại Điều 98.

 Đề nghị bỏ điểm c khoản 1” vì lặp lại quy định tại điểm a và b khoản này. a) Theo quy định của điều lệ; b) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; c) Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4.5 . Quy định tại Điều 113 khoản 2 :

 “…theo quyết định của đa số tổ viên…” đề nghị quy định một tỉ lệ cụ thể là “… theo quyết định có tỉ lệ từ 51% tổ viên đồng ý trở lên…”. Vì đa số có thể là 51% hoặc 99% có thể gây ra tranh cãi khi có tranh chấp.

4.6. Quy định về định đoạt tài sản tại khoản 3 Điều 114 nên quy định một tỉ lệ rõ ràng như kiến nghị quy định tại Điều 113 khoản 2 nêu trên.

4.7. Quy định tại Điều 118 về đa số tương tự Điều 113 nên quy định một tỉ lệ cụ thể.

4.8. Về quy định tại Điều 122 Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Đề nghị bổ sung thêm : “Người tham gia giao dịch  là pháp nhân phải có năng lực pháp luật dân sự”.

4.9. Về quy định Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức tại Điều 134

“Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. Quy định này mâu thuẫn với Điều 401 khoản 2 đoạn 2 : “Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về mặt hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Kiến nghị nếu giữ nguyên Điều 134 thì bỏ khoản 2 đoạn 2 Điều 401 hoặc ngược lại.

4.10. Về thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại khoản 1 Điều 136 :

“Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập”. Đề nghị sửa lại đoạn cuối của khoản 1 điều này là : “…hai năm, kể từ ngày các bên biết hoặc phải biết được giao dịch đó là vô hiệu”. Vì, từ ngày xác lập thì có thể các bên không phát hiện được sự vi phạm dẫn đến vô hiệu, cũng có thể khi đã quá hai năm kể từ ngày xác lập giao dịch mới phát hiện ra thì đã hết thời hiệu, quy định này thời hiệu sẽ ngắn hơn.

4.11. Về quy định Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu tại khoản 2 Điều 138 :

 “Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng kí quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”. Với tiêu đề của điều luật là bảo vệ quyền lợi của người thứ ba, nhưng nội dung bên trong thì không có gì để đảm bảo bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình cả. Đề nghị bổ sung thêm quyền yêu cầu được bồi thường thiệt hại của người thứ ba ngay tình, và nghĩa vụ cụ thể của người phải bồi thường thiệt hại. Phải xác định rõ chứ không nêu chung chung khó thực hiện, dễ bị đùn đẩy trách nhiệm hoặc có thể tòa án sẽ viện dẫn là chưa có quy định rõ ràng.

4.12. Quy định tại các điều : Điều 130; 131; 132; 133; 134; 136 về thẩm quyền tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu của tòa án.

Đề nghị bổ sung trong các điều luật này quy định về thẩm quyền tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu của trọng tài, nếu các bên yêu cầu có thỏa thuận về trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại. Vì trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại hoặc những tranh chấp khác, nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài.

4.13. Quy định về tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước tại Điều 200. Đề nghị bổ sung thêm: “Động vật hoang dã quý hiếm theo quy định của công ước quốc tế về bảo vệ động vật quý hiếm”.

4.14. Quy định về chấm dứt sở hữu chung tại Điều 226. Đề nghị bổ sung thêm : “Các chủ sở hữu chung bán toàn bộ tài sản chung cho người khác”.

4.15. Quy định về xác lập sở hữu chung trong trường hợp trộn lẫn tại khoản 1 Điều 237.

Đề nghị bổ sung thêm : “Giá trị của mỗi chủ sở hữu trong vật mới được xác định tương ứng với giá trị tăng lên hoặc giảm xuống của vật mới”.

4.16. Về quy định tại Điều 259 quyền yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật .

“Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình”. Đề nghị sửa lại như sau : “Khi thực hiện quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu của mình”. Bởi vì, quyền sở hữu đã bao gồm quyền chiếm hữu, nhưng quyền chiếm hữu của một người có thể người đó không sở hữu đối với tài sản đó.

4.17. Về quy định tại Điều 260 quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đề nghị cũng tương tự như Điều 259 sử dụng từ “hoặc” chứ không thể dấu phẩy được. Bởi vì, chủ sở hữu đã bao gồm cả quyền chiếm hữu.

4.18. Quy định tại Điều 325 về thứ tự ưu tiên thanh toán trong giao dịch bảo đảm.

Đề nghị bổ sung thêm : “Trong trường hợp một tài sản được dùng để thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo đảm đều được đăng kí cùng một thời điểm, thì việc thanh toán các giao dịch theo giá trị tương đương với tỉ lệ phần trăm của từng giao dịch. Trong trường hợp một tài sản được dùng để thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo đảm đều không được đăng kí và các giao dịch đó được thực hiện vào cùng một thời điểm, thì việc thanh toán các giao dịch theo giá trị tương đương với tỉ lệ phần trăm của từng giao dịch”.

4.19. Quy định tại Điều 350 về nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.

Đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ của bên thế chấp : “Trong trường hợp thế chấp để vay tiền hoặc tài sản khác thì bên nhận thế chấp phải giao tiền, tài sản khác đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng”.

4.20. Quy định về hợp đồng mua bán tài sản tại Điều 428

“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản vả nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán”. Đề nghị sửa lại là : “Bên mua có nghĩa vụ trả tiền cho bên bán và nhận tài sản”.

4.21. Quy định tại Điều 431 về giá và phương thức thanh toán.

Đề nghị bổ sung thêm : “Trong trường hợp pháp luật quy định đối với loại tài sản phải thanh toán theo một phương thức nhất định, thì các bên phải thực hiện theo phương thức đó”. Bổ sung quy định này để từng bước hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong lưu thông.

4.22. Quy định về hợp đồng tặng cho bất động sản tại Điều 467 khoản 2

“Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng kí”. Đề nghị sửa lại là : “Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm các bên kí kết”. Vì nguyên tắc của giao dịch dân sự là sự thỏa thuận tự nguyện, khi các bên đã giao kết thì buộc phải thực hiện. Đối với việc đăng kí chỉ là thủ tục hành chính còn lại sau khi các bên giao kết, và việc đăng kí là chỉ nhằm mục đích của việc quản lí nhà nước.

4.23. Quy định về thời hạn thuê tại Điều 482 khoản 2

“Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn thuê hoặc thời hạn thuê không thể xác định được theo mục đích thuê thì hợp đồng thuê hết thời hạn khi bên thuê đã đạt được mục đích thuê”. Điều khoản này không rõ ràng, bởi vì đã không xác định được mục đích thuê, lại còn khẳng định hợp đồng thuê hết thời hạn khi bên thuê đã đạt được mục đích thuê. Đề nghị xác định lại mục đích thuê theo từng công việc tương ứng với thời gian của công việc đó trên thị trường hoặc quy định một thời gian tương ứng với ngành, nghề mà một bên thứ ba khác đã thực hiện. Ví dụ : theo mùa vụ, một công trình xây dựng có thể tính toán theo nhân công một cách khoa học…

4.24. Quy định về chấm dứt hợp đồng thuê nhà tại Điều 498 khoản 1 điểm a

 “không trả tiền thuê nhà liên tiếp trong ba tháng trở lên mà không có lý do chính đáng”. Quy định này chưa thật phù hợp với thực tiễn, trong trường hợp các bên thỏa thuận trả tiền định kì một tháng, hai tháng, ba tháng, sáu tháng, một năm… thì xác định ba tháng liên tiếp là chưa chính xác.

Đề nghị phải quy định rõ lại là : “Trường hợp trả tiền thuê nhà theo định kì, nếu bên thuê không trả hoặc chậm trả tiền thuê nhà theo định kì mà thời hạn đó kéo dài đến ba tháng kể từ ngày đến kì phải trả trở lên mà không có lý do chính đáng”.

Tin tức khác


   Trang sau >>