GÓP Ý SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT DÂN SỰ

 

Góp ý sửa đổi bổ sung Luật Dân Sự

Luật sư Quách Tú Mẫn (Công ty Luật Hợp Danh Danh & Cộng sự)

Thời gian vừa qua đã có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng sửa đổi bổ sung Luật Dân sự. Bài viết này trình bày những vấn đề chưa được đề cập hoặc còn có nhiều ý kiến trái chiều.

I. Định nghĩa về Quyền sở hữu:

Điều 164 Bộ luật dân sự VN dựa theo hệ thống pháp luật châu Âu (civil law) quy định quyền sở hữu tài sản gồm những quyền như sau:

- Quyền chiếm hữu: “quyền nắm giữ, quản lý tài sản” Điều 182,

- Quyền sử dụng: quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản” Điều 192,

- Quyền định đoạt: “quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó Điều 195 Bộ luật dân sự VN.

Tuy nhiên, không như trong các bộ luật dân sự khác trong hệ thống, nội dung các quyền của quyền sở hữu được quy định tách biệt rõ ràng, nội dung ba quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nói trên lại có sự trùng lắp với nhau.

Quyền quản lý tài sản trong “quyền chiếm hữu” có nội dung trùng lắp với quyền khai thác công dụng trong “quyền sử dụng” tài sản. Rõ ràng để khai thác công dụng thì phải quản lý tài sản và làm tốt công việc quản lý đòi hỏi phải khai thác công dụng tài sản.

Nội dung quyền chiếm hữu, quyền sử dụng cũng mâu thuẫn hoặc gây nhầm lẫn với nội dung các điều luật khác trong bộ luật.

Điều 182 quy định quản lý là một quyền nhỏ trong quyền chiếm hữu nhưng điều 185 lại quy định nếu được ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền có quyền chiếm hữu tài sản.

Điều 192 bộ luật dân sự quy định quyền sử dụng tài sản gồm hai quyền, quyền khai thác công dụng và quyền hưởng hoa lợi, lợi tức. Tự điển tiếng Việt định nghĩa “Sử dụng” chỉ đơn thuần là “Đem dùng vào mục đích nào đó”. Định nghĩa pháp lý quyền sử dụng không phù hợp, khác xa với nghĩa từ thường dùng có thể gây nhiều nhầm lẫn. Cụ thể, Điều 273 về quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, từ “quyền sử dụng” nếu hiểu theo nghĩa pháp lý thì người được quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề đương nhiên có cả quyền hưởng huê lợi trên phần bất động sản này.

Quy định quyền sở hữu như trên không tạo điều kiện pháp lý cho việc thực hiện các loại giao dịch dân sự khác nhau trong thực tiễn cũng như không tạo cơ sở cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của nền học thuật pháp lý nước nhà.  

Kiến nghị :

Chúng tôi cho rằng cần theo hướng của hầu hết các bộ luật Dân sự trong hệ thống pháp luật châu Âu, sửa đổi bổ sung quy định như sau:

Quyền sở hữu tài sản gồm các quyền sau:

-  Quyền sử dụng (usus): quyền sử dụng, quản lý, khai thác

- Quyền hưởng dụng (fructus): quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản

- Quyền định đoạt (abusus): quyền bán, cho, tháo dỡ, từ bỏ tài sản.

Quyền sử dụng thu lợi (usufruit): quyền sử dụng và quyền hưởng dụng

Cuối  cùng chúng tôi xin mượn ví dụ (1) sau để làm rõ thêm về nội dung quyền sở hữu trên:

Tôi là chủ sở hữu một căn nhà do thừa kế của cha. Tôi có vợ mà không có con, chỉ có một cháu trai trơ trọi. Tôi muốn rằng sau khi tôi mãn phần, nhà ấy vẫn còn trong gia tộc của tôi nhưng tôi cũng muốn hễ vợ tôi còn sinh thời bao lâu thì bà vẫn còn ở và thu lợi từ căn nhà. Tôi mới chia cái quyền sở hữu nhà ấy làm hai phần: quyền sử dụng thu lợi thì thuộc về vợ tôi còn quyền hư hữu (quyền sở hữu nhưng chưa có quyền sử dụng thu lợi) thuộc về cháu tôi. Vợ tôi còn sống lúc nào thì có quyền sử dụng thu lợi lúc nấy, đến chừng vợ tôi qua đời thì cháu tôi có quyền sở hữu hoàn toàn ngôi nhà.”

II. Tài sản chung vợ chồng:

Quy định pháp luật dân sự các nước trên thế giới về tài sản chung và việc thừa kế tài sản chung vợ chồng được chia thành 2 nhóm như sau:

1/ Nhóm quy định tài sản chung vợ chồng được đương nhiên chuyển cho người vợ/chồng còn sống khi người kia qua đời.

2/ Tài sản chung được phân chia thừa kế theo quy định khi có một bên chồng hoặc vợ qua đời.

Theo Điều 219 và  các Điều ở phần Thừa kế của bộ luật dân sự Việt Nam, tài sản chung vợ chồng là tài sản chung hợp nhất và được phân chia thừa kế khi có một bên chồng hoặc vợ qua đời.

Quy định như trên làm phát sinh những ứng xử không phù hợp truyền thống đạo đức Việt Nam như các con khởi  kiện buộc cha/mẹ bán nhà chia thừa kế khi người kia mất dù tài sản chung vợ chồng chỉ có một căn nhà duy nhất họ đang sống.

Kiến nghị:

Chúng tôi đề nghị bổ sung quy định “hỗn hợp” như sau:

+ “Vợ chồng chung sống liên tục từ 25 năm trở lên thì khi một bên vợ hoặc chồng qua đời không để lại di chúc thì tài sản chung vợ chồng được chuyển cho người còn sống.”

Xét về mặt pháp lý: tài sản chung vợ chồng là tài sản do vợ chồng cùng nhau tạo lập và phát triển theo công sức của mỗi người. Như vậy nếu người chồng hoặc vợ qua đời không thể hiện ý chí để lại di sản thừa kế cho người khác thì pháp luật cần quy định ưu tiên quyền thừa kế cho người còn sống.

Xét về mặt tình cảm: tài sản do vợ chồng cùng nhau tạo lập và phát triển trong thời gian dài, tất mang nhiều dấu ấn, kỷ niệm riêng tư vợ chồng cần tôn trọng quyền định đoạt của người còn lại nếu người mất không để lại di chúc.

Dựa vào số liệu thống kê sau (2) :

- Tuổi bình quân lập gia đình: 25 tuổi

- Tuổi bình quân có con: 25 đến 30 tuổi

Như vậy vợ chồng chung sống với nhau 25 năm sẽ ở độ tuổi xế chiều 50 tuổi trở lên ngược, không may lâm cảnh góa bụa cần được pháp luật hỗ trợ, ưu tiên quyền sở hữu tài sản chung vợ chồng để đảm bảo cuộc sống tuổi già.

Con riêng của người mất cũng như con chung (cùng hàng thừa kế) đều phải trên 20 tuổi hoàn toàn có thể tự lập. Những người con này nếu có quan hệ chăm sóc người còn sống như cha con, mẹ con đều có thể được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người này.

Quy định trên sẽ góp phần phát huy truyền thống đạo đức Việt Nam, trọn đời hiếu kính cha mẹ đồng thời tôn vinh và bảo vệ khuôn mẫu gia đình cổ truyền Việt Nam.

III. Quy định về thừa kế

Tranh chấp thừa kế phức tạp và dai dẵng hiện đang là vấn đề pháp lý và xã hội đáng quan tâm. Rõ ràng với tình trạng tranh chấp thừa kế không dứt như hiện nay, pháp luật về thừa kế chắc chắn có điểm gì đó chưa phù hợp thực tế cuộc sống.

Có ý kiến cho rằng cần bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế vì theo truyền thống VN thì con cái không dám yêu cầu chia thừa kế khi cha hoặc mẹ còn sống. Thời hiệu khởi kiện thừa kế buộc các con phải chọn:  yêu cầu giải quyết thừa kế và trở thành bất hiếu hoặc chấp nhận có thể mất quyền khởi kiện vì hết thời hiệu.

Có ý kiến khác cho rằng cần duy trì thời hiệu khởi kiện thừa kế nhưng phải quy định lại về trường hợp tài sản thừa kế trở thành tài sản chung (không có thời hiệu).

Từ lâu đã có rất nhiều ý kiến cho rằng các quy định pháp luật hiện hành về khai trình thừa kế và xác nhận tài sản chung, buộc phải có yếu tố đồng thuận của các thừa kế là duy ý chí, không thực tế và bất khả thi. Thực tiễn, hiếm khi người  thừa kế đang nắm giữ tài sản thừa kế đồng thuận với các thừa kế khác để khai trình thừa kế và xác nhận tài sản chung. Bằng cách này (không đồng thuận) họ có thể nắm giữ tài sản thừa kế lâu dài và chờ cho đến hết thời hiệu khởi kiện thừa kế.

Kiến nghị:

Quá trình tác nghiệp, chúng tôi nhận thấy Bộ luật dân sự còn thiếu và cần bổ sung các quy định sau:

+ Quy định về người thừa kế đang nắm giữ di sản thừa kế: Nghĩa vụ bắt buộc phải liệt kê, khai báo tất cả tài sản thừa kế đang nắm giữ trong thời gian 30 ngày kể từ ngày mở thừa kế tại cơ quan công chứng địa phương.

+ Quy định về trách nhiệm khai trình thừa kế (hoặc từ chối thừa kế) của cá nhân người trong hàng thừa kế: Nghĩa vụ của từng cá nhân, tổ chức được nhận thừa kế phải khai trình thừa kế và kê khai những người trong cùng hàng thừa kế (mà mình biết) trong vòng 60 ngày kể từ ngày mở thừa kế tại cơ quan công chứng địa phương.

+ Quy định về trách nhiệm công bố, thông báo và công nhận khai trình thừa kế của cơ quan công chứng: Nghĩa vụ cơ quan công chứng công bố bảng khai báo tài sản thừa kế, bảng khai trình thừa kế, thông báo cho những người trong hàng thừa kế để khai trình và sau 30 ngày công bố, công nhận bảng khai trình di sản thừa kế, người thừa kế.  Việc công nhận này chỉ cần thông báo nhưng không cần có sự hiện diện và đồng thuận của các người thừa kế.

+ Quy định về tài sản chung và nghĩa vụ khai báo thuế: Ngay sau khi cơ quan công chứng công bố công nhận khai trình thừa kế, di sản thừa kế trở thành tài sản chung của những người có tên trong bảng công nhận. Những người này phải tiến hành khai thuế và đăng ký quyền sở hữu tài sản.

+ Quy định về việc xử phạt:  Những hành vi vi phạm nghĩa vụ nói trên như khai báo không trung thực, chậm khai báo, khai trình theo quy định các nước đều chịu mức phạt rất nặng, theo tỷ lệ của mức hưởng thừa kế.

Những quy định rõ ràng, thực tế về thừa kế như trên: quy định về khai trình thừa kế sẽ tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền thừa kế mà không cần sự đồng thuận của người khác, quy định về khai trình tài sản thừa kế và xác lập thành tài sản chung sẽ hạn chế việc kiện tụng yêu cầu chia thừa kế, gây mất ổn định gia đình-xã hội đồng thời quản lý tốt nguồn thu thuế (Ví dụ: thuế TNCN đối chuyển dịch bất động sản thứ hai).

Tuy nhiên để đạt được những tác dụng tốt nói trên, cần có nỗ lực của các cơ quan quản lý để cùng phối hợp với nhau thực hiện, của các cán bộ hữu quan để chấp nhận thay đổi tư duy và phương thức quản lý, phục vụ cho người dân, lợi ích của Nhà nước chứ không vì quyền lợi cá nhân hay cục bộ cơ quan.

 

______________

(1) Luật sư Phan Văn Thiết, Dân luật tu tri, trang 225, nhà sách Khai Trí 1961

 (2) Tổng cục thống kê, tổng điều tra dân số 2009

Tin tức khác


   Trang sau >>